"Sự tự lập giúp trẻ phát triển về kỹ năng sống và học vấn toàn diện hơn"

Đứa trẻ phát triển tính tự lập thông qua các mối quan hệ giao tiếp và tương tác với những người trong gia đình. Chính vì vậy bậc phụ huynh chính là những người rất quan trọng trong việc hình thành nên tính tự lập ở trẻ.

1. Dành thời gian dạy dỗ
Dành thời gian để ‘huấn luyện’ trẻ chập chững làm những việc như người lớn là bước đầu tiên giúp trẻ tự giác và ý thức hơn trong việc tự phục vụ nhu cầu bản thân. “Mỗi tuần, hãy vạch ra một việc mới cho trẻ làm quen. Ban đầu nên tách công việc này thành những bước nhỏ và kiên nhẫn dạy trẻ cách làm. Sau khi trẻ đã nhuần nhuyễn hơn, khéo léo hơn… hãy coi công việc đó như một ‘nhiệm vụ’ mà trẻ phải hoàn thành”

2. Khen ngợi sự nỗ lực của trẻ
“Ngay cả khi kết quả công việc của trẻ không thực sự xuất sắc, cha mẹ vẫn nên mỉm cười và tỏ ra hài lòng với nỗ lực của trẻ”, để dần hình thành và phát triển nhân cách cho các em. Bởi thế, dù trẻ làm việc nhỏ nhất, ví như: tự rót nước uống… thì cha mẹ vẫn nên thưởng trẻ bằng những lời khen thiện chí, nhằm nâng cao sự tự lực cho trẻ.
Tuyệt đối không phê phán trẻ, không dùng những từ “Không được! Vỡ bây giờ! Hỏng hết rồi! Hậu đậu thế!...” với trẻ khi trẻ đang học một kỹ năng nào đó..

3. Dạy trẻ tư duy
Hãy dạy trẻ biết cái gì hay, cái gì dở, cái gì hợp lý, cái gì không... Ví dụ, mẹ có thể hỏi bé: “Hôm nay trời lạnh quá, mình có cần đội mũ len không nhỉ? Mình nên đi giày ấm hay là xăng-đan con nhỉ?” Và nhờ bé lấy những món đồ đó ra… Nghĩa là thay vì ra lệnh cho bé tự làm một việc: “Con mặc quần áo đi, con đi giày đi...!” thì mẹ nên hướng bé đến hành động đó một cách gián tiếp.

4. Hạn chế trợ giúp
Cha mẹ không thể lúc nào cũng bên con 24h/ngày và 7 ngày/ tuần. Do đó, đừng bao giờ xắn tay trợ giúp con những việc mà bản thân chúng có thể tự làm.
Đặc biệt, thay vì ‘cầm tay chỉ việc’ hãy để trẻ tự nói chúng sẽ làm gì – điều này giúp trẻ có cảm giác làm chủ được thử thách. Tất nhiên, nếu trẻ cần vài gợi ý hay trợ giúp để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó thì cha mẹ hãy luôn sẵn sàng nhé!

Một người có tính tự lập luôn cảm thấy đủ khả năng để đối mặt với mọi khó khăn của cuộc sống cũng như luôn làm chủ được mình. Hình thành tính tự lập ở trẻ ngay lúc còn nhỏ là một yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển và sự trưởng thành của trẻ sau này.

Các bậc phụ huynh ở nhiều quốc gia phát triển rất coi trọng việc huấn luyện cho trẻ biết cách tự lo liệu, biết chịu gian khổ ngay từ bé. Bởi vì họ ý thực được rằng, sau này, chúng sẽ phải sống trong một xã hội cạnh tranh, đầy áp lực.